Rối loạn trầm cảm được đặc trưng bởi nỗi buồn hoặc khó chịu nghiêm trọng hoặc dai dẳng, đủ để ảnh hưởng đến chức năng hoặc gây ra phiền toái đáng kể. Chẩn đoán dựa vào hỏi bệnh và thăm khám. Điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, liệu pháp hỗ trợ và nhận thức-hành vi, hoặc kết hợp các phương thức này.
(Xem thêm thảo luận về Rối loạn trầm cảm ở người trưởng thành.)
Các rối loạn trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên bao gồm:
Rối loạn mất điều hòa khí sắc kiểu gây rối
Bệnh trầm cảm nặng
Rối loạn trầm cảm dai dẳng (loạn khí sắc)
Thuật ngữ trầm cảm thường được sử dụng một cách nôm na để miêu tả tâm trạng giảm hoặc nản lòng do thất vọng (ví dụ như bệnh nặng) hoặc mất mát (ví dụ như cái chết của người thân yêu). Tuy nhiên, khí sắc giảm, không giống như trầm cảm, xảy ra có xu hướng bị ràng buộc với những suy nghĩ hoặc nhắc nhở về sự kiện khởi động, giải quyết khi hoàn cảnh hoặc sự kiện cải thiện, có thể bị xen kẽ với giai đoạn tích cực cảm xúc và hài hước, và không kèm theo phổ biến cảm giác vô ích và tự ghê tởm. Giảm khí sắc thường kéo dài nhiều ngày hơn là hàng tuần hoặc hàng tháng, và suy nghĩ tự sát và mất chức năng kéo dài thì ít xảy ra hơn. Tâm trạng thấp như vậy được gọi một cách thích hợp hơn là sự mất tinh thần hoặc đau buồn. Tuy nhiên, các sự kiện và các tác nhân gây stress gây ra mất tinh thần và đau buồn cũng có thể gây ra một giai đoạn trầm cảm lớn.
Nguyên nhân của trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên chưa rõ nhưng tương tự như nguyên nhân ở người lớn; nó được cho là kết quả từ sự tương tác của các yếu tố nguy cơ được xác định là di truyền và áp lực từ môi trường (đặc biệt là căng thẳng đầu đời chẳng hạn như lạm dụng, chấn thương, thiên tai, bạo lực gia đình, cái chết của thành viên gia đình và mất mát [ 1]).
Các triệu chứng và dấu hiệu của rối loạn trầm cảm
Các biểu hiện cơ bản của rối loạn trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên tương tự như ở người lớn nhưng có liên quan đến những mối quan tâm điển hình của trẻ em, như học tập và chơi đùa. Trẻ có thể không giải thích được cảm xúc bên trong hoặc tâm trạng. Trầm cảm nên được xem xét khi những đứa trẻ trước đây hoạt động tốt trở nên kém đi ở trường, rút khỏi xã hội, hoặc có hành vi phạm pháp.
Ở một số trẻ bị rối loạn trầm cảm, tâm trạng nổi trội là khó chịu hơn là nỗi buồn (một sự khác biệt quan trọng giữa tuổi nhỏ và người lớn). Sự khó chịu liên quan đến trầm cảm ở trẻ em có thể biểu hiện như là hoạt động quá mức và hành vi hung hăng, chống lại xã hội.
Ở trẻ khuyết tật trí tuệ, chứng rối loạn trầm cảm hoặc rối loạn khí sắc khác có thể biểu hiện như các triệu chứng của cơ thể và rối loạn hành vi.
Rối loạn mất điều hòa khí sắc kiểu gây rối
Rối loạn mất điều hòa khí sắc kiểu gây rối liên quan đên sự khó chịu dai dẳng và các giai đoạn thường xuyên của hành vi đó rất ra khó kiểm soát, với sự khởi đầu ở tuổi 6-10. Nhiều trẻ em cũng có các rối loạn khác, đặc biệt là rối loạn chống đối, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), hoặc một rối loạn lo âu. Chẩn đoán không đưa ra trước 6 tuổi hoặc sau 18 tuổi. Khi trưởng thành, bệnh nhân có thể phát triển trầm cảm đơn cực (hơn là lưỡng cực) hoặc rối loạn lo âu.
Các biểu hiện bao gồm sự hiện diện của những điều sau đây với thời gian ≥ 12 tháng (không có giai đoạn ≥ 3 tháng mà không có tất cả chúng):
Các đợt bùng phát thường xuyên nghiêm trọng (ví dụ như giận dữ và/hoặc hung hăng đối với người hoặc tài sản) có tỷ lệ cao so với tình huống và xuất hiện trung bình ≥ 3 lần/tuần.
Sự bùng nổ không phù hợp với trình độ phát triển
Một trạng thái khó chịu, tức giận mỗi ngày trong hầu hết thời gian trong ngày và được những người khác quan sát (ví dụ như phụ huynh, giáo viên, bạn bè cùng lứa)
Tâm trạng bùng nổ và tức giận phải xảy ra ở 2 trong số 3 hoàn cảnh (tại nhà hoặc trường học, với bạn bè đồng lứa).