Hiểu và đồng cảm với trẻ
Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập và các bé luôn muốn được thừa nhận và cư xử một cách trưởng thành. Vì vậy, mỗi khi trẻ buồn, khóc hay tức giận là lúc trẻ cần được thấu hiểu và nhận được sự đồng cảm từ người lớn.
Nhiều gia đình, nhiều ba mẹ thường không giữ được bình tĩnh mỗi khi trẻ ăn vạ. Thay vì tìm cách hiểu và đồng cảm với trẻ thì lại quát mắng (ví dụ: “Nín không thì bảo”, “Cứ nằm đấy mà khóc đi, mẹ về nhà đây”,…), đôi khi còn dùng đòn roi để dọa trẻ ngừng khóc..
Nhưng tất cả sự cấm đoán đó đối với trẻ lại không có tác dụng mà còn khiến trẻ dễ kích động và giận dữ hơn. Trẻ sẽ càng ăn vạ nhiều hơn, bướng bỉnh hơn, có cảm giác sợ ba mẹ và có xu hướng bạo lực.
Về lâu về dài, tính cách này sẽ thành thói quen, ảnh hưởng xấu đến hành vi, cách ứng xử của trẻ với những người xung quanh. Thậm chí gây nên hậu quả khó lường như trẻ bạo lực với bạn bè vì bị ảnh hưởng của việc ba mẹ đánh khi trẻ ăn vạ.
Trẻ ăn vạ phải làm sao
Cần hiểu và đồng cảm với trẻ
Chính vì thế, ba mẹ cần dành nhiều thời gian quan sát để hiểu được những mong muốn, những vấn đề mà trẻ đang gặp phải. Lắng nghe trẻ, kiên nhẫn và bình tĩnh để biết được nhu cầu mỗi khi trẻ tức giận hay ăn vạ.
Ba mẹ có thể dùng lời nói nhẹ nhàng đoán cảm xúc của trẻ như “Con không muốn ăn món này đúng không nào”, “Mẹ thấy con không thích cái này”,… Việc này giúp trẻ cảm thấy được an ủi, được yêu thương hơn và xây dựng niềm tin cũng như gắn kết tình cảm giữa ba mẹ và con cái.
Ngoài ra, việc ba mẹ giao tiếp đúng cách mỗi khi trẻ ăn vạ cũng giúp trẻ học thêm vốn từ, tăng khả năng ngôn ngữ. Từ đó giúp trẻ có thể diễn tả mong muốn của mình thoải mái và tự tin hơn, bớt cảm xúc nóng giận hơn.
Không nên nuông chiều trẻ quá mức
Cách cư xử của ba mẹ ngay từ những ngày còn nhỏ sẽ quyết định đến tính cách và hành vi sau này của trẻ. Việc ba mẹ luôn đáp ứng mọi nhu cầu mỗi khi trẻ ăn vạ sẽ khiến trẻ dễ giận dỗi, cáu gắt hơn khi không được đáp ứng nhu cầu của một ai đó.
Ba mẹ cần khéo léo, kiên nhẫn trong cách cư xử và giáo dục trẻ mỗi lần ăn vạ để trẻ cảm thấy được yêu thương, được đồng cảm nhưng phải để trẻ hiểu rằng không phải cứ giận dỗi hay trẻ ăn vạ là sẽ được dỗ dành và được đáp ứng nhu cầu.
Mà chỉ khi mong muốn của trẻ là hợp lý và trẻ cố gắng diễn tả điều mình muốn một cách nhẹ nhàng và bình tĩnh thì mới được mọi người đáp ứng.
Hướng trẻ sang hoạt động khác
Mặc dù trẻ dễ ăn vạ, khóc lóc hay giận dỗi lung tung nhưng lại rất mau quên. Vì thế, mỗi khi trẻ khóc lóc, ăn vạ ba mẹ hãy thử đoán và gợi ý trẻ thực hiện những hoạt động mà có thể trẻ sẽ thích.
Ví dụ như:”Mẹ biết con đang buồn vì đồ chơi bị hư, mà ông bà sắp tới nhà mình chơi rồi nè. Con thích ông bà sang chơi đúng không nào, vậy thì cùng mẹ chuẩn bị đón ông bà nhé…”. Bằng cách đó, trẻ ăn vạ có thể nguôi cơn giận đi và vui vẻ trở lại với điều mà trẻ thích khác.
Trò chuyện với trẻ
Hầu hết mọi trường hợp khi trẻ con ăn vạ, đang lúc tức giận thì ba mẹ có nói gì cũng vô ích, càng giáo huấn thì trẻ càng phẫn nộ hơn. Vì thế, khi cơn giận đã qua đi, ba mẹ hãy ngồi xuống và trò chuyện với trẻ để biết được lúc nãy trẻ đang nghĩ gì và muốn gì.
Chẳng hạn như, “Vừa nãy con khóc vì không bấm được tivi phải không, lần sau nếu bị vậy thì nói mẹ sẽ giúp con nhé,…”. Việc tâm sự, làm bạn với con này giúp trẻ cảm thấy được yêu thương, được an ủi hơn từ đó việc trẻ ăn vạ có thể ít lặp lại hơn với những trường hợp tương tự.
Có thể bạn quan tâm: Mách mẹ cách xử trí khi trẻ nghiện điện thoại quá mức cực hiệu quả