Mỗi đất nước, mỗi nền văn hóa khác nhau sẽ có cách dạy con riêng biệt. Cách dạy con của người phương tây sẽ khác với cách dạy con bên phương đông.

Tuy nhiên, sự bướng bỉnh và cứng đầu khi trẻ bước vào giai đoạn 2 tuổi trở về sau lại là vấn đề chung của các bậc phụ huynh. Giai đoạn này, con bắt đầu có những suy nghĩ và thế giới quan riêng nên khó tránh khỏi những “xung đột” và dần từ chối yêu cầu của ba mẹ.

Cách dạy con ương bướng của người Nhật
Người Nhật dạy con ương bướng theo 3 nguyên tắc. Nguồn: Canva

Trong trường hợp con “lì lợm”, ba mẹ Nhật đã giáo dục trẻ theo nguyên tắc bao gồm: Nghiêm khắc – Giải thích – Khuyên nhủ. Theo đó, khi nào cần nghiêm khắc thì tuyệt đối ba mẹ không được mủi lòng, khi nào cần giải thích và khuyên nhủ bé thì ba mẹ nên kiên nhẫn cho tới khi bé hiểu vấn đề.

Dưới đây là cách dạy con ương bướng của người Nhật mà bạn có thể tham khảo:

Ba mẹ nghiêm khắc giúp con hết ương bướng
Mặc dù nghiêm khắc quá mức có thể khiến trẻ tổn thương lòng tự trọng, thậm chí gặp vấn đề về hành vi. Nhưng trong cách dạy con ương bướng của người Nhật thì sự nghiêm khắc trong những trường hợp đặc thù là điều hoàn toàn cần thiết.

Sự nghiêm khắc cần được sử dụng trong 2 hoàn cảnh:

Trẻ tổn thương người khác, dù là bằng hành động hay lời nói.
Trẻ tự tổn thương chính mình.
Cách giải quyết: Khi xảy ra 1 trong 2 trường hợp này, ba mẹ hãy nghiêm nghị nhìn thẳng vào mắt trẻ, nói chậm và rõ ràng việc làm của con là sai trái. Sau đó, ba mẹ không cần đưa ra bất cứ lời giải thích nào với trẻ nữa.

Đối với 2 trường hợp đặc thù này, sự khuyên nhủ hay giải thích nhẹ nhàng là không cần thiết. Nếu ba mẹ mềm mỏng hoặc qua loa, bé sẽ không cảm thấy sự nghiêm trọng của vấn đề và tệ hơn là nghĩ mình không phạm lỗi.

Bắt nguồn từ sự phản kháng, bé sẽ càng có xu hướng lặp lại hành động sai ấy. Nếu không can thiệp kịp thời, việc tổn thương người khác hoặc tự tổn thương bản thân sẽ dần trở thành tính cách ưa bạo lực theo sự trưởng thành của trẻ.

Như vậy trong cách dạy con ương bướng của người Nhật, hành động giải thích và khuyên nhủ chỉ nên thực hiện với những sai phạm nhẹ nhàng. Còn những trường hợp con gây tổn thương cho người khác và bản thân thì ba mẹ phải răn dạy bé một cách nghiêm khắc nhất.

Thái độ của ba mẹ sẽ giúp trẻ nhận ra sự khác biệt và nghiêm trọng của tình huống. Từ đó, bé sẽ khắc sâu và không tái phạm nữa.

Lưu ý: Ba mẹ nên bộc lộ sự nghiêm khắc và dạy dỗ trẻ ở môi trường riêng tư như dẫn con đến góc vắng, sau khi bước lên xe hơi,… Việc làm này vừa giúp trẻ bình tĩnh hơn, cũng vừa giúp giữ thể diện cho ba mẹ thay vì “quát mắng” con giữa nơi công cộng.
Cách dạy con ương bướng của người Nhật bằng “khuyên nhủ” và “giải thích”
Cách dạy con ương bướng của người Nhật bằng “khuyên nhủ” và “giải thích” được áp dụng đối với những sai phạm nhẹ nhàng. Phụ huynh cần thông cảm và luôn lắng nghe để thấu hiểu tâm lý trẻ nhỏ. Thay vì ép buộc trẻ làm việc này việc kia, các mẹ Nhật sẽ giảng giải để trẻ hiểu và tự nguyện thực hiện.

Ví dụ: Bé thích chân trần chạy tung tăng trên đường thì thay vì la mắng, ba mẹ hãy vừa mang giày cho trẻ vừa từ tốn nói rằng: “Nếu con đi chân trần thì nhỡ giẫm phải vật sắc hoặc đá nhọn sẽ chảy máu, rất đau đấy!”. Ba mẹ có thể rải ít đất đá để bé giẫm lên thử, chỉ khi tự thân cảm nhận sự đau thì con mới hiểu rõ vấn đề và nhớ lâu.

Hoặc giả với trường hợp trẻ đòi ăn sữa chua đã đông cứng trong tủ lạnh. Ba mẹ có thể giải thích nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc với trẻ rằng “Sữa chua đang rất cứng và lạnh. Con ăn vào sẽ buốt răng và có thể bị đau họng đấy!”. Để trẻ cảm nhận sâu sắc hơn việc “lạnh và cứng”, ba mẹ có thể đặt hộp sữa chua lạnh ngắt vào tay bé.

Bên cạnh đó, ba mẹ cần thực hiện hành động “giải thích” và “ khuyên nhủ” với thái độ kiên trì, nhẫn nại và bình tĩnh nhất có thể. Dù là cách dạy con ương bướng của đất nước nào thì 2 đức tính này đều là “hành trang” vô cùng cần thiết cho các bậc phụ huynh. Hơn nữa, muốn giáo dục những đứa trẻ ương bướng thì ba mẹ càng cần bỏ ra nhiều sự kiên nhẫn hơn bình thường.

Ba mẹ Nhật dạy con ương bướng bằng cách dạy con tự lập
Giáo dục tính tự lập từ sớm là một trong những cách dạy con ương bướng của người Nhật điển hình. Ba mẹ Nhật nhận ra rằng nếu trẻ sớm biết tự lập thì sẽ hiểu được những việc nên và không nên làm. Từ đó, bé sẽ ít chống đối với lời nói của người lớn.

Phương pháp giáo dục sự tự lập này dựa trên nguyên lý trẻ con rất thích bắt chước người lớn. Do đó, nếu muốn trẻ tự thực hiện việc gì một cách vui vẻ và tự nguyện mà không cần thúc giục thì phụ huynh phải làm gương cho bé trước. Ba mẹ có thể bắt đầu từ những việc đơn giản hàng ngày như chuyện vệ sinh cá nhân của con.

Cách dạy con ương bướng của người Nhật
Dạy tính tự lập là cách dạy con ương bướng của người Nhật. Nguồn: Canva

Ví dụ: Ba mẹ muốn trẻ tự đánh răng rửa mặt thì hãy cho bé ngồi cạnh quan sát người lớn thực hiện. Song song đó, hãy đưa bé 1 chiếc bàn chải xinh xắn để con bắt chước theo. Ba mẹ nên cùng nhau lặp lại việc này với bé vào khoảng thời gian cố định mỗi sáng. Dần dần con sẽ quen và tự học được kỹ năng này.

Ngoài ra, ba mẹ có thể nhờ bé làm một số việc nhẹ nhàng như nhặt rau, dọn dẹp chén đĩa sau khi ăn, vứt rác vào thùng,… Hãy nhớ kèm theo những lời khen ngợi, trẻ sẽ rất hào hứng thực hiện vì nghĩ rằng việc này cho thấy mình rất tài giỏi đấy!

Có thể bạn quan tâm: Con bướng bỉnh không nghe lời? Mẹ áp dụng ngay 10 cách này!
2Lời khuyên dành cho ba mẹ
Cách dạy con ương bướng của người Nhật
Cách dạy con của người Nhật hay phương Tây thì đều cần sự kiên nhẫn. Nguồn: Canva

Theo các chuyên gia, sự bướng bỉnh từ giai đoạn 2 -3 tuổi chứng tỏ trẻ đang phát triển tự nhiên. Nếu phụ huynh giáo dục con bằng bạo lực hay ép buộc, trẻ sẽ dần trở nên “lì lợm” và về lâu dài sẽ gây tổn thương tâm lý con. Vậy nên dù là áp dụng cách dạy con ương bướng của người Nhật hay phương Tây thì ba mẹ đều cần:

Kiên nhẫn với con: Kiên nhẫn là đức tính cần thiết cho quá trình nuôi dạy trẻ. Ba mẹ nên rèn luyện sự kiên nhẫn để có thể lắng nghe và có cách dạy con đúng đắn.
Bình tĩnh: Bên cạnh sự kiên nhẫn thì ba mẹ cần bình tĩnh, tránh nóng giận cau có với con. Cần hiểu sự ương bướng là quá trình phát triển bình thường của trẻ.
Lắng nghe: Ba mẹ nên lắng nghe suy nghĩ và nhu cầu của con một cách chăm chú và nghiêm túc thay vì lơ là hời hợt. Chỉ khi hiểu được trẻ, ba mẹ mới có thể áp dụng cách dạy con phù hợp nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *