Sinh lý bệnh của tiểu tiện không tự chủ ở trẻ em
Chức năng của bàng quang gồm pha dự trữ và pha bài xuất nước tiểu. Bất thường một trong hai pha đều có thể gây ra tiểu dầm tiên phát hoặc thứ phát (1).
Trong pha dự trữ, bàng quang hoạt động như một túi chứa nước tiểu. Sức chứa của bàng quang bị ảnh hưởng bởi kích thước bàng quang và sự đàn hồi. Sức chứa tăng lên khi trẻ lớn lên. Sự đàn hồi có thể bị giảm do nhiễm trùng nhiều lần hoặc do tắc nghẽn đường ra dẫn đến phì đại cơ bàng quang.
Trong pha bài xuất, bàng quang co bóp đồng bộ với sự mở của cổ bàng quang và cơ thắt niệu đạo ngoài. Nếu có rối loạn chức năng của các bước hoặc sự phối hợp các bước trong hoạt động bài xuất, tiểu không kiểm soát có thể xảy ra. Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn chức năng này. Ví dụ bàng quang bị kích thích, có thể dẫn đến co thắt bất thường và không đồng bộ của các bước, dẫn đến tiểu không kiểm soát. Bàng quang kích thích có thể là do nhiễm trùng đường tiểu (UTI) hoặc do bất cứ thứ gì ép vào bàng quang (ví dụ, trực tràng giãn do táo bón; 2).
Sự trưởng thành của mô hình đi tiểu từ trẻ sơ sinh sang người lớn liên quan đến việc thay đổi từ mô hình phản xạ đi tiểu của trẻ sơ sinh, trong đó các cơn co thắt bàng quang xảy ra không do sức cản tăng lên của đường ra, sang kiểu người lớn, trong đó các cơn co thắt bàng quang bị ức chế bởi trung tâm tiểu tiện ở cầu não. Trong quá trình trưởng thành, có một giai đoạn chuyển tiếp, trong đó các cơn co thắt tống ra bị chống lại bởi sự co thắt của cơ vòng ngoài (3).
Tiểu tiện không tự chủ ở trẻ em
Nguyên nhân và điều trị tiểu dầm ở trẻ em khác tiểu dầm ở người lớn. Mặc dù một số bất thường gây ra cả tiểu dầm ban ngày và tiểu dầm ban đêm, nhưng thường có sự khác biệt về nguyên nhân gây tiểu dầm ban ngày hoặc ban đềm, cũng như tiểu dầm nguyên phát hoặc thứ phát. Hầu hết tiểu dầm nguyên phát là tiểu dầm ban đêm và không có rối loạn thực thể. Tiểu dầm ban đêm có thể được chia thành đơn thuần (chỉ xảy ra trong lúc ngủ) và phức tạp (có những bất thường khác, ví dụ như tiểu dầm ban ngày và/hoặc các triệu chứng tiết niệu).
Tiểu đêm (đái dầm)
Rối loạn thực thể chiếm khoảng 30% các trường hợp và thường là tiểu dầm phức tạp (so sánh với tiểu dầm đơn thuần).
Phần lớn các trường hợp còn lại nguyên nhân không rõ ràng nhưng được cho là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm
Chưa trưởng thành
Hướng dẫn sử dụng nhà vệ sinh chưa đúng
Khả năng chứa nước tiểu của bàng quang nhỏ (thực chất bàng quang không nhỏ nhưng co bóp trước khi đầy nước tiểu)
Tăng lượng nước tiểu về ban đêm
Khó thức giấc khi ngủ
Tiền sử gia đình (nếu bố hoặc mẹ có tiền sử tiểu dầm ban đêm, cơ hội sinh con bị tiểu dầm là 30%, tăng lên 70% nếu cả hai bố mẹ đều bị)
Các yếu tố góp phần vào các nguyên nhân thực thể gây tiểu dầm ban đêm bao gồm
Các tình trạng làm tăng thể tích nước tiểu (ví dụ, đái tháo đường, đái tháo nhạt, suy thận mạn tính, uống quá nhiều, bệnh hồng cầu hình liềm và đôi khi tính trạng hình liềm [bài tiết nước tiểu giảm tỉ trọng])
Các tình trạng làm tăng kích thích bàng quang (ví dụ, nhiễm trùng đường tiểu, áp lực lên bàng quang bởi trực tràng và đại tràng sigma [do táo bón])
Các bất thường cấu trúc (ví dụ, niệu quản lạc chỗ, có thể gây ra cả tiểu dầm ban đêm và ban ngày)
Yếu cơ vòng bất thường (ví dụ, tật nứt đốt sống, có thể gây ra cả tiểu dầm ban đêm và ban ngày)