Bước 1: Ngăn con lại
Cha mẹ cần ngăn cản khi thấy trẻ hay đánh bạn. Khi trẻ giơ tay định đánh thì nhẹ nhàng nắm lấy tay trẻ và giữ lại. Nếu trẻ đánh bạn trong lúc không có mặt cha mẹ thì phải hỏi rõ và xác nhận xem trẻ có thật sự đánh bạn hay không.
Bước 2: Hỏi lý do con đánh bạn và không phủ nhận cảm xúc của con
Khi trẻ hay đánh bạn, cha mẹ cần hỏi lý do vì sao trẻ làm như vậy. Có thể trẻ không thể diễn đạt rành mạch bằng lời nói, khi đó cha mẹ quan sát tìm hiểu kỹ tình huống rồi giúp trẻ thử diễn đạt ý nghĩ bằng lời. Ví dụ như: “Vì con không thích bạn làm việc này phải không?”
Cha mẹ cần bình tĩnh, mô tả cảm giác của con cho con và không nói các câu như: “Có thế mà cũng phải đánh à?”, “Có thế mà cũng bực mình?”, “Việc đấy thì có gì đâu?”. Một cái ôm có thể cho con cảm thấy yên tâm, biết mình được yêu thương vô điều kiện, từ đó sẵn sàng mở lòng và bình tĩnh đối thoại.
Với các bé dưới 2 tuổi tuy có thể chưa trả lời được câu hỏi của cha mẹ, nhưng nhìn thái độ của cha mẹ, bé cũng có thể hiểu đó là hành động cần dừng lại, bị ngăn cản. Khi bé lên 2,5 tuổi, bé sẽ bắt đầu biết lý giải và giải thích cho hành động của mình.
Có thể bạn quan tâm: Bật mí bí quyết giúp ba mẹ làm bạn với con dễ dàng hơn
Bước 3: Giải thích cho con
Khi trẻ bình tĩnh trở lại, cha mẹ có thể giải thích việc đánh bạn là không tốt, sẽ làm bạn thấy đau. Tuy nhiên, cha mẹ không nên đánh trẻ để dạy trẻ biết đau khi bị đánh là như thế nào. Bởi vì điều đó không có hiệu quả mà còn làm trẻ cảm thấy cha mẹ cũng đánh người khác đấy thôi.
Bước 4: Gợi ý trẻ giải pháp thay thế
Khi hỏi kỹ tình huống và dạy trẻ không được đánh bạn, cha mẹ có thể cùng trẻ suy nghĩ giải pháp thay thế. Ví dụ “Khi bị lấy mất đồ chơi, con đừng đánh bạn mà nên nói bạn trả cho con nhé.” Con nói: “Bạn ơi, tớ đang chơi đồ chơi đó, bạn lấy làm tớ rất buồn, bạn cho tớ xin lại nhé. Lát nữa, tớ đưa cho bạn.”
Để giúp trẻ hay đánh bạn không còn lặp lại hành vi thì hướng dẫn trẻ một cách giải quyết khác là hợp lý. Việc diễn đạt ra lời nói những suy nghĩ cảm xúc cụ thể sẽ giúp trẻ biết nói gì khi gặp tình huống tương tự tiếp theo. Hướng dẫn càng cụ thể, trẻ sẽ dễ thực hiện.
Bước 5: Khen ngợi con khi làm được điều đó
Khi trẻ đã biết dùng lời nói và trẻ không đánh bạn nữa thì cha mẹ nên có cách khen ngợi sự cố gắng của trẻ. Từ từ trẻ sẽ cảm nhận được chỉ cần dùng lời nói, không cần phải bạo lực.
Có thể trong thời gian đầu, trẻ hay đánh bạn và không nghe lời cha mẹ, nhưng dù vậy, cha mẹ cũng không nên đánh mắng trẻ. Thay vào đó, hãy áp dụng triệt để 5 bước trên đây và dõi theo từng chút sự tiến bộ của trẻ.
Nếu không có bước 4 thì bước 1, 2, 3 sẽ vô nghĩa. Vì kể cả khi trẻ đã biết mình sai, nhưng trẻ sẽ chỉ thấy sợ. Trẻ không biết phải làm thế nào với tình huống tương tự về sau, cảm thấy bế tắc và về sau vẫn hay đánh bạn.
Dạy trẻ là một quá trình lặp đi lặp lại cần nhiều kiên nhẫn, không phải cha mẹ thực hiện 5 bước trên vài lần thì trẻ sẽ hành xử phù hợp. Việc đào tạo cần nhiều thời gian, lặp đi lặp lại một cách nhất quán từ vài tuần đến vài tháng.