Để thói quen ném đồ đạc không trở thành một tính cách của trẻ, ba mẹ có thể cân nhắc một số biện pháp như:
Giải thích hậu quả với trẻ: Bố mẹ nên dùng giọng nói nhẹ nhàng, lịch sự để dạy cho trẻ biết rằng đồ đạc để sử dụng chứ không phải để ném. Bên cạnh đó, hãy giải thích cho trẻ hiểu nếu đồ đạc bị ném sẽ vỡ và hỏng như thế nào.
Đặt ra quy tắc cho trẻ: Nếu thấy trẻ ném đồ chơi, bố mẹ hãy cất giấu đồ đi. Đặt ra nguyên tắc rằng đồ vật sẽ bị lấy đi nếu trẻ tiếp tục ném để giúp trẻ hiểu đây là hành vi không được chấp nhận.
Đưa ra lựa chọn thay thế: Đối với trẻ nhỏ muốn ném đồ vật do tò mò hay chỉ để khám phá nguyên nhân – kết quả của sự việc thì mẹ có thể thay thế đồ chơi bằng những vật như đĩa nhựa hay bóng. Điều này cũng giúp trẻ hiểu những vật gì được phép ném và vật nào thì không.
Khen ngợi trẻ khi làm đúng: Bố mẹ có thể áp dụng ngay điều này nếu trẻ cầm một món đồ chơi mà không ném đi. Khen ngợi hành vi tốt sẽ khuyến khích trẻ lặp lại hành vi đó.
Bố mẹ hãy làm gương cho trẻ: Trẻ vẫn luôn quan sát và bắt chước mọi hành vi của bố mẹ. Vậy nên nếu bố mẹ cũng ném đồ đạc khi tức giận, trẻ sẽ làm điều tương tự. Để thay đổi được hành vi của trẻ, trước hết bố mẹ cần phải hành xử đúng mực.
Hiểu đúng hành vi của trẻ: Ở một số trẻ nhỏ, việc ném đồ đạc có thể xảy ra khi trẻ bị đói hoặc cáu kỉnh vì thiếu ngủ. Bố mẹ phải là người quan sát và hiểu nhu cầu cũng như hành vi của trẻ để giải quyết vấn đề ngay từ đầu và ngăn lại hành vi xấu này.
Dạy trẻ kiểm soát cảm xúc: Khi trẻ đang vui vẻ, bố mẹ nên dạy trẻ những lời nói và hành động để thể hiện cảm xúc thay vì ném đồ đạc. Hãy giúp trẻ hiểu được sử dụng lời nói có thể truyền đạt được sự khó chịu.
Bình tĩnh giải quyết vấn đề: Những đứa trẻ có thể hiểu được thái độ của bố mẹ thông qua cách xử lý nhẹ nhàng. Nếu bố mẹ phản ứng mạnh bằng cách la hét, tức giận, trẻ sẽ càng ném đồ vật mạnh hơn.
Cùng trẻ dọn dẹp đồ vật bị rơi vỡ: Việc cùng trẻ dọn dẹp cũng đồng thời là lúc mẹ cần chỉ cho trẻ thấy những đồ vật sẽ bị hỏng và vỡ nát ra sao. Trẻ sẽ học được rằng đồ vật bị rơi vỡ không bao giờ lấy lại được. Bố mẹ cũng nên để cho trẻ cảm nhận được sự mất mát bằng cách không thay thế đồ trẻ đã làm rơi vỡ.
Dạy trẻ cách cư xử trên bàn ăn: Nếu trẻ có thói quen ném thức ăn, bố mẹ cần dạy trẻ ăn chậm và không ném thức ăn đi. Kể cả khi đã ăn no, trẻ cũng phải được dạy rằng đồ ăn thừa nên được để lại trên bàn.
Bình tĩnh, đồng cảm và kiên nhẫn sẽ là những điều mà bố mẹ cần có để xây dựng thói quen tốt của trẻ và ngăn ngừa hành động ném đồ đạc.
Có thể bạn quan tâm: Trẻ hay cáu gắt – Ba mẹ nên dạy trẻ kỹ năng quản lý cảm xúc
Khi nào bố mẹ cần tư vấn của bác sĩ?
Bố mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ về hành vi của trẻ nếu:
Trẻ ném đồ vật mà không có bất kỳ nguyên nhân nào rõ ràng
Trẻ bỏ qua hướng dẫn của bố mẹ về cách sử dụng đồ đạc
Trẻ thích ném đồ ngay cả trong tình huống dễ dàng giao tiếp với bố mẹ
Trẻ ném đồ đạc và thể hiện sự tức giận, thất vọng dữ dội
Trẻ ném các đồ vật về phía ai đó, như cha mẹ hoặc anh chị em
Trẻ không chịu điều chỉnh thói quen theo hướng dẫn của bố mẹ
Trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu của bệnh tự kỷ. Để được chẩn đoán chính xác, trẻ sẽ được bác sĩ thăm khám và có một số bài kiểm tra liên quan. Trước khi có kết luận, mẹ đừng nên vội kết luận về hành vi của trẻ.